Chủ Nhật, 24/11/2024 13:19 (GMT +7)

Tuyệt đối không mua gia cầm chưa rõ nguồn gốc

Thứ 2, 06/03/2017 | 15:16:00 [GMT +7] A  A

Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh cúm A/H7N9 trên người và đàn gia cầm, nhưng nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ Trung Quốc vào nước ta là rất cao. Về vấn đề này, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã chia sẻ với báo Tin Tức về việc phòng chống sự lây lan của dịch cúm gia cầm.

Ông Đàm Xuân Thành – Phó cục trưởng cục Thú y (Bộ NN&PTNT).

Xin ông cho biết tình hình phòng chống cúm gia cầm A/H7N9, A/H5N1, A/H5N6 ở các địa phương hiện nay như thế nào?

Hiện nay, cúm A/H7N9 ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, lan rộng cả về quy mô lẫn số lượng người mắc bệnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên người và gia cầm.

Ở Việt Nam, với cúm A/H5N1 và A/H5N6 trên đàn gia cầm đang có 14 hộ chăn nuôi của 10 xã có dịch, các ổ dịch này đã được khoanh vùng, tiêu hủy, khử trùng tiêu độc nên không lây lan. Cúm gia cầm tại Việt Nam đang ở mức độ nhỏ lẻ, vì chúng ta có gần 8 triệu hộ chăn nuôi.

Hiện chúng ta đã chuyển sang phòng chống cúm chủ động, các địa phương chủ động bố trí kinh phí phòng chống ngay từ đầu. Vì vậy, cúm A/H5N1 và A/H5N6 đã được khống chế và trở thành dịch bệnh địa phương.

Lo nhất hiện nay là cúm A/H7N9, các cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp rất quyết liệt, khi phát hiện cúm A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc. Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn gửi các tỉnh từ ngày 17/2. Đặc biệt là các tỉnh biên giới, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới dưới mọi hình thức.

Bộ NN&PTNT đã thành lập 5 đoàn công tác đi các tỉnh biên giới phía Bắc để kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các địa phương trong phòng chống dịch. Bên cạnh đó, bộ cũng đã ban hành công văn triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2017” trong một tháng từ 23/2 đến 23/3. Bộ cũng vừa tổ chức hội nghị với 25 tỉnh liên quan đến phòng chống xâm nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng cúm khác.

Khử trùng tiêu độc để phòng chống cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN

Có ý kiến cho rằng, thông tin về dịch cúm gia cầm của Cục Thú y khá chậm, việc thống kê dịch bệnh cũng chậm hơn so với địa phương. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Trong những ngày qua, chúng tôi không nghỉ ngày nào, từ cục trưởng cho đến các cục phó đều đi kiểm tra suốt ngày đêm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thẳng thắn thừa nhận là thông tin có chậm. Nguyên nhân là theo Luật Thú y, khi có thông tin về gia cầm chết ở địa phương, chúng tôi phải đi kiểm tra nguồn bệnh, lấy mẫu, đợi có kết quả xét nghiệm, mất 24 giờ mới có kết quả, lúc đó mới được công bố dịch. Do đó có sự chậm trễ nhất định. Cập nhật thông tin trên trang web Cục Thú y cũng khá chậm, chúng tôi sẽ sớm khắc phục điều này.

Trong thời gian này, ông có khuyến cáo gì cho người tiêu dùng và người chăn nuôi gia cầm?

Đối với người tiêu dùng, nên mua sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, tại những nơi có sự kiểm soát của thú y, được kiểm soát giết mổ, được đóng dấu kiểm tra từng con gia cầm. Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn sản phẩm gia cầm chưa nấu kỹ.

Đối với người chăn nuôi, mua giống tại các cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, không ham rẻ mua giống trôi nổi, vì nguy cơ gia cầm mang dịch bệnh là rất cao. Trong quá trình chăn nuôi, thường xuyên khử trùng tiêu độc. Đối với cúm A/H5N1, A/H5N6 đã có vắc xin, vì vậy người nuôi phải tiêm phòng cho gia cầm theo đúng quy định. Khi phát hiện gia cầm có hiện tượng chết, phải báo ngay cơ quan thú y để tiêu hủy, không được vứt gia cầm lung tung gây ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

Xin cảm ơn ông!

H.V-TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu