Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:53 (GMT +7)
Ứng phó dịch teo não!
Thứ 3, 23/02/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa phát động chiến dịch toàn cầu mang tên “Khuôn khổ ứng phó chiến lược và kế hoạch hành động chung”, nhằm hướng dẫn các quốc gia trên toàn thế giới thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus Zika lây lan. Gây dịch bệnh teo não ở trẻ sơ sinh, Zika hiện đã lây lan ra 40 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Giám sát dịch Zika từ hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất
Không được bỏ lọt
Qua gần 1 tháng kể từ khi triển khai các biện pháp kiểm dịch y tế đối với dịch Zika, ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, cho biết đã thực hiện đầy đủ các dự phòng. Trong đó, giám sát thân nhiệt hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được xem là biện pháp quan trọng, thường trực 24/24 giờ và trên tất cả 100% hành khách. “Hành khách đến từ các vùng có dịch Zika được chú ý hơn, được đề nghị điền vào tờ khai báo sức khỏe”, ông Sáu nói. Là một thành phố lớn có lượng khách quốc tế đến khá đông, giao lưu rộng mở, TPHCM đứng trước nguy cơ xâm nhập dịch Zika là không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, việc giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm và cách ly xử lý kịp thời sẽ hạn chế tối đa ca bệnh xâm nhập.
Tại cuộc họp với Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) về việc phòng chống dịch bệnh Zika, GS-TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, quan ngại dịch bệnh xâm nhập nước ta nếu không có các biện pháp giám sát tốt. Theo ông, mặc dù các cơ quan chuyên môn đã triển khai giám sát tại cửa khẩu, giám sát tại cộng đồng, tập huấn giám sát các ca bệnh trên thực tế… nhưng quan trọng hơn cả vẫn tập trung tuyên truyền người dân tiêu diệt bọ gậy/lăng quăng, diệt trừ muỗi để loại trừ nguy cơ gây bệnh nhằm cắt đứt nguồn truyền bệnh.
Trước đó, kiểm tra công tác giám sát kiểm soát dịch Zika tại cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo công tác dự phòng có vai trò quyết định, nhất là phải đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy để ngăn chặn dịch có thể phát sinh trong cộng đồng. Hơn nữa, phải đề cao trách nhiệm giám sát của các cơ quan chuyên môn. “Không thể lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Tất cả các cơ quan liên quan phải vào cuộc một cách trách nhiệm và sẵn sàng ứng phó mọi lúc”, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu.
Chủ động giám sát cộng đồng
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết đã đề nghị Viện Pasteur TPHCM lấy mẫu tại 8 điểm giám sát trọng điểm ở khu vực phía Nam và xét nghiệm 1.200 mẫu nhằm phát hiện liệu có virus Zika trong cộng đồng hay không. Theo các chuyên gia y tế, các triệu chứng của bệnh dịch Zika tương đồng bệnh dịch sốt xuất huyết như sốt, phát ban, đau cơ, đau khớp… Việt Nam đang là một trong những quốc gia có dịch sốt xuất huyết lưu hành rộng rãi. Do đó, theo các chuyên gia của WHO, các bệnh viện phụ sản cần có những phương án phòng bệnh do virus Zika lây truyền ở thai phụ, cần có những hoạt động tuyên truyền thông tin và khuyến khích khám thai định kỳ từ tháng thứ 2 của thai kỳ, nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc căn bệnh này. Đối với thai phụ, virus Zika có thể gây dị tật cho thai nhi với chứng teo não, đầu nhỏ bẩm sinh và kèm theo chậm phát triển trí tuệ, bất thường thần kinh.
Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có phương pháp nào đặc hiệu để điều trị bệnh teo não do virus Zika gây ra, chỉ có thể tác động để kiểm soát khuyết tật thần kinh hoặc vấn đề ngôn ngữ. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong thời gian tới không đến các quốc gia đang có dịch bệnh do virus Zika khi không cần thiết. Nếu phải đến các khu vực có dịch do virus Zika cần phải được cán bộ y tế tư vấn để có thông tin đầy đủ về các biện pháp phòng chống lây nhiễm. Sau khi về từ các khu vực có dịch do virus Zika, cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm để phát hiện sớm yếu tố lây nhiễm…
Với đặc thù 80% ca bệnh Zika không có triệu chứng, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người đi từ vùng dịch trở về nếu có sốt từ 37,5oC trở lên, đặc biệt với phụ nữ ở độ tuổi sinh nở, dù có hay không có triệu chứng cũng nên đến cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm nhằm chủ động phòng bệnh. Những triệu chứng của bệnh virus Zika được ghi nhận là nhẹ, xuất hiện một vài ngày sau khi bị đốt bởi muỗi nhiễm bệnh như: sốt nhẹ và phát ban. Một số người có thể kèm theo viêm kết mạc, đau cơ và khớp và cảm thấy mệt mỏi. “Các triệu chứng thường hết trong khoảng từ 2 đến 7 ngày. Nhưng những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt. Nếu đang mang thai và nghi ngờ mắc bệnh virus Zika, cần đến bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai”, ông Trần Đắc Phu lưu ý.
TƯỜNG LÂM- SGGPO
Ý kiến ()