Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 04:28 (GMT +7)
Vì sao ‘gió đổi chiều’ ở Đức – nơi từng chống dịch hoàn hảo
Thứ 7, 24/04/2021 | 10:36:00 [GMT +7] A A
Chỉ trong vài tháng, nước Đức đã đi từ hình mẫu của một quốc gia chống dịch thành công nhờ đoàn kết được công chúng, đến một đất nước mà chiến lược chống dịch đang đổ vỡ.
Tại Hermannplatz, ngoại ô Berlin, đeo khẩu trang là bắt buộc ở những khu vực đông đúc. Ảnh: Vox
Hai mùa hè khác biệt
Mùa hè năm ngoái tại Berlin, Christine Wagner có thể an toàn làm một việc mà hầu khắp dân số thế giới không thể: đi xem phim ở rạp chiếu.
Khả năng những người lạ ngồi cùng với nhau, trong phòng kín trong nhiều giờ liền, bỏ khẩu trang để ăn bỏng ngô, bim bim, đã khiến những chuỗi rạp chiếu lớn như AMC phải đóng cửa ở Mỹ. Nhưng tại Đức, mọi chuyện diễn ra khác: Virus SARS-CoV-2 đã được kiểm soát đủ mạnh để đất nước này mở cửa lại, với một số quy định về khẩu trang và giãn cách xã hội. Vì thế, Wagner không ngại ngần ra ngoài xem phim với các bạn của cô.
“Mọi người được tự do. Chúng tôi được ra ngoài đi lại, gặp gỡ bạn bè. Cuộc sống như bình thường vậy”, Wagner, người phụ trách chiến lược và truyền thông về đại dịch COVID-19 tại một phòng y tế ở Berlin, cho biết.
Mùa hè đó, đường phố Berlin và các thành phố khác ở Đức thật sôi động. Lưu lượng khách tại các cửa hàng bán lẻ trở về gần mức trước đại dịch. Số người đặt chỗ ăn tối còn tăng cao hơn so với năm 2019.
Trong bệnh viện, các bác sĩ ghi nhận ít bệnh nhân COVID-19 hơn vài tháng trước đó. Ở một quốc gia gần 80 triệu dân, số ca nhiễm mới đã giảm xuống chỉ còn vài trăm mỗi ngày – bằng một nửa so với mức trung bình của Liên minh châu Âu cùng thời điểm, và ít hơn 95% so với tại Mỹ.
Cảnh vắng vẻ tại Jena, thành phố đầu tiên ở Đức bắt buộc đeo khẩu trang, từ giai đoạn đầu đại dịch. Ảnh: Vox
Nhưng hiện tại, các đường phố Đức đang vắng tanh. Có vài người bước vội trên vỉa hè, không mấy người ra vào những không gian kín, trong khi đa số cửa hàng, doanh nghiệp đã đóng cửa. Số người ăn hàng trên khắp đất nước giảm gần 99% so với trước đại dịch. Số ca COVID mới tuy thấp hơn mức đỉnh của làn sóng thứ hai hồi Giáng sinh 2020, nhưng vẫn rất cao, và gần đây đã tăng mạnh trong làn sóng thứ ba.
Chỉ trong vài tháng, nước Đức đã đi từ hình mẫu của một quốc gia chống dịch thành công nhờ đoàn kết được công chúng, đến một đất nước mà chiến lược chống dịch đang đối mặt nguy cơ sụp đổ.
Những thông điệp y tế cộng đồng nhất quán của Đức hồi đầu đại dịch từng giúp cứu sống nhiều sinh mạng, nay trở thàn nạn nhân của một chính trường rạn nứt.
Đức vẫn ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 chỉ bằng 2/3 so với phần còn lại của EU, và bằng một nửa so với Mỹ, nhưng tình hình đang ngày một đi xuống tại đây. Có thời điểm, Đức ghi nhận số ca tử vong/dân số còn lớn hơn cả EU và Mỹ.
Vậy điều gì đã xảy ra?
Hệ thống liên bang của Đức đã gây ra tình trạng thiếu nhịp nhàng, nhất quán trong giới lãnh đạo đất nước khi phản ứng với đại dịch, làm chậm trễ các quyết định quan trọng.
Chính trị cũng đang đóng vai trò ngày càng lớn: Năm 2018, trước đại dịch, Thủ tướng Angela Merkel thông báo bà sẽ nghỉ hưu trong năm 2021. Vì thế hiện tại chính trường Đức đang chạy đua tìm ra gương mặt thay thế nổi bật, có cách tiếp cận ít thận trọng với COVID hơn bà Merkel.
Toàn bộ điều này đã biến phản ứng quốc gia của Đức – từng thống nhất và mạnh mẽ – trở thành manh mún, chia rẽ giữa công chúng và giới lãnh đạo.
Kinh nghiệm của Đức trong đại dịch COVID-19 cho thấy một quốc gia có thể đoàn kết thế nào đằng sau một sứ mệnh và thông điệp y tế công cộng duy nhất. Nhưng nó cũng cho thấy, chiến thắng đó có thể mong manh thế nào, và thành công ban đầu có thể nhanh chóng sụp đổ ra sao một khi có sự cố xảy ra.
Nước Đức ban đầu đã đoàn kết theo tinh thần bài diễn văn đầu tiên của Thủ tướng Merkel về chống dịch. “Kể từ khi nước Đức thống nhất, không, kể từ cuộc Đại chiến thế giới thứ 2, không một thách thức nào với đất nước chúng ta lại đòi hỏi một mức độ hành động chung và đoàn kết như vậy”, bà Merkel nói vào tháng 3/2020.
Thủ tướng Angela Merkel từng dẫn dắt nước Đức chống dịch thành công trong giai đoạn đầu. Ảnh: Getty Images
Merkel biết bà đang làm gì. Là một nhà khoa học, với bằng tiến sĩ hóa học lượng tử, bà đã giải thích sự cần thiết của việc các nhà khoa học tham gia vào chống dịch. Thông điệp của bà được các thành phố, các bang của Đức nghiêm túc tuân thủ, nóng lòng tránh tình cảnh khủng khiếp cùng lúc đó ở Italy.
Nhờ thế, đến giữa mùa hè 2020, khi Mỹ chứng kiến làn sóng thứ hai, nước Đức ghi nhận số ca tử vong do COVID mỗi ngày chỉ bằng không đầy 5% so với Mỹ.
Nhưng sau đó, nước Đức ngày càng trở nên chia rẽ. Tới lễ hội bia nổi tiếng Oktoberfest (Lễ hội Tháng Mười), nhiều người Đức không đeo khẩu trang, ngồi chật kín dọc các bàn dài để uống bia, cười nói. Sau lễ hội đó, người Đức vẫn mạo hiểm đổ tới các không gian kín, bất chấp những khuyến cáo của các chuyên gia.
Kết quả là số ca nhiễm COVID tại Đức, giống như hầu hết châu Âu, bắt đầu tăng trở lại.
Một số lãnh đạo bang phản kháng bất cứ điều gì dẫn đến một lệnh đóng cửa mới. Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, Yvonne Gebauer tuyên bố đeo khẩu trang trong lớp học “không còn cần thiết”.
Lãnh đạo các bang này được ủng hộ bởi một bộ phận người dân phản đối đóng cửa. Tới cuối tháng 10/2020, kịch bản mà bà Merkel cảnh báo đã thành hiện thực: Ca nhiễm mới tại Đức đã tăng gấp 7 lần chỉ sau một tháng. Bất chấp lệnh đóng cửa mới, số ca nhiễm mới vẫn tăng vọt vào dịp Giáng sinh và đầu tháng 1/2021.
“Khoảng trống” quyền lực
Khoảng trống quyền lực ở Đức càng khiến mọi chuyện tệ hơn. Tại Đức, giai đoạn chính trị hiện tại còn được gọi là “Merkeldammerung” (giai đoạn “xế chiều” của Merkel). Sau hơn 15 năm làm Thủ tướng, và gần 2 thập niên lãnh đạo đảng CDU cầm quyền, bà Merkel thông báo nghỉ hưu, để đất nước và CDU “khởi đầu một chương mới”.
Các cuộc bầu cử vào tháng 9/2021 sẽ quyết định nhà lãnh đạo mới của đất nước
Thông điệp y tế cộng đồng ở Đức. Ảnh: Vox
Quyền lực lâu dài của Angela Merkel từng khiến bà trở thành một tượng đài trên chính trường Đức. Nhưng đột ngột, quốc gia này phát hiện mình ở bên bờ vực khoảng trống quyền lực. Các chính trị gia trong và ngoài đảng CDU đang có cơ hội cạnh tranh vị trí cao nhất. Nhiều người chỉ trích chính sách của bà Merkel, quảng bá kho tàng chính trị của riêng họ.
Khi không có một lãnh đạo mạnh mẽ ở cấp liên bang, thì quyền quyết định liên quan đến dịch COVID thuộc về cấp chính quyền thấp hơn.
Vấn đề là các nhà lãnh đạo đó không phải lúc nào cũng có tầm nhìn toàn diện. Chẳng hạn, Thống đốc bang Saxony, Michael Kretschmer tuyên bố lệnh phong tỏa ban đầu không nên quá nghiêm ngặt như vậy. Tháng 2/2021, ông Kretschmer kêu gọi chấm dứt đóng cửa. Rồi tới cuối tháng 3, ông lại ủng hộ một lệnh phong tỏa dịp lễ Phục sinh. Những thông điệp thiếu nhất quán như vậy đã góp phần dẫn đến hậu quả là số ca nhiễm mới tại bang này đã tăng gấp 16 lần. Nước Đức chìm trong làn sóng COVID-19 thứ ba.
Về lý thuyết, nước Đức có thể đã tránh được làn sóng thứ hai và thứ ba nếu như đất nước tiếp tục đoàn kết dưới “lá cờ” Merkel. Đó là cách tiếp cận đã chứng minh là có hiệu quả tại các quốc gia như Australia và New Zealand.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vi-sao-gio-doi-chieu-o-duc-noi-tung-chong-dich-hoan-hao-20210423171719167.htm
Ý kiến ()