Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 18:12 (GMT +7)
Vì sao nói rượu, bia là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh ung thư?
Thứ 2, 08/05/2017 | 10:27:00 [GMT +7] A A
Các chuyên gia ung thư khuyến cáo, khi uống vào cơ thể, rượu sẽ chuyển hóa thành một chất gây ung thư làm tổn thương DNA và gây bệnh cho người sử dụng tùy theo thể trạng cơ thể.
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TM. |
Theo PGS.TS Trần Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư, Bệnh viện K, nhiều nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế cho thấy có mối tương quan giữa sử dụng rượu và nguy cơ mắc 7 bệnh ung thư gồm: Ung thư khoang miệng, ung thư hạ họng- thanh quản, vòm họng, thực quản, gan, vú, đại trực tràng.
“Hút thuốc và uống rượu là nguy cơ có tính chất cộng dồn. Đã có khoảng 50 nghiên cứu cho thấy tiêu thụ rượu 50 g/ngày tương quan với tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. 100 nghiên cứu khác khẳng định phụ nữ uống rượu 18g/ngày có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 1,5 lần so với phụ nữ không uống rượu”, PGS.TS Trần Thanh Hương chia sẻ.
Lý giải về mối liên quan giữa rượu và bệnh ung thư, PGS.TS Trần Thanh Hương cho hay, khi vào cơ thể, dưới tác dụng của enzym alcohol dehydrogenase, rượu được oxy hóa thành acetaldehyde là một chất gây ung thư, gây tổn thương DNA.
Việc uống rượu làm tăng acetaldehyde trong nước bọt, làm tổn thương DNA ở các tế bào niêm mạc miêng, họng, thực quản & đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, alcohol trong rượu làm tăng mức độ estroden và hoạt hóa các thụ thể của yếu tố tăng trưởng giống insulin, từ đó kích hoạt sự sinh sôi của tế bào tuyến vú dẫn tới ung thư vú.
Rượu tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt chất gây ung thư thấm vào cơ thể. Gây xơ gan, tổn thương tế bào gan, từ đó dẫn tới ung thư gan.
“Alcohol làm thay đổi chuyển hóa của folate trong máu, sự kém hấp thu folate gây trở ngại cho quá trình methyl hóa DNA, từ đó dẫn tới ung thư. Mặt khác, rượu kích thích cơ thể sinh ra các phân tử có hoạt tính cao; các phân tử nay thường gây tổn hại DNA của tế bào dẫn tới ung thư”, PGS.TS Trần Thanh Hương nhấn mạnh.
Lo ngại về tác hại của việc uống rượu đến sức khỏe người dân, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, không có một ngưỡng an toàn nào đối với việc uống rượu, bia, ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ của một số bệnh ung thư so với những người không uống.
Các nguy cơ mắc ung thư liên quan đến rượu bia có thể giảm dần theo thời gian từ khi ngừng uống rượu bia, nhưng phải mất nhiều năm trước khi nguy cơ giảm xuống ở mức như những người bình thường chưa bao giờ uống.
Do đó, để bảo vệ sức khỏe người dân, phòng chống những nguy cơ bệnh tật, tai nạn nguy hiểm và các hậu quả xã hội khác, đại diện Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu bia. Đặc biệt, khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông, vận hành máy móc, có thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn hoặc có các tình trạng bệnh lý thì càng cần phải tránh các đồ uống có cồn.
Ý kiến ()