Thứ Bảy, 23/11/2024 11:59 (GMT +7)

Bí thư Đinh La Thăng: Kiên quyết chấm dứt dạy thêm, học thêm

Thứ 4, 08/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 7/6, nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực GD&ĐT đã được đưa ra bàn thảo tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo đã được đưa ra bàn thảo tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7/6, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong cơ chế quản lý đối với lĩnh vực này để đổi mới toàn diện, phát triển giáo dục và đào tạo thành phố trong xu thế hội nhập.

Chấm dứt dạy thêm, học thêm

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xác định là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố và là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình hội nhập của thành phố. Mỗi năm, thành phố dành 26% trong tổng chi ngân sách cho giáo dục – đào tạo, đặc biệt thành phố thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư trên mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục – đào tạo. Nhờ đó, những năm qua chất lượng và hiệu quả giáo dục – đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, do đặc thù là một thành phố lớn, tốc độ tăng dân số cơ học tăng nhanh kéo theo tốc độ tăng học sinh cao. Cụ thể, những năm gần đây, trung bình tăng khoảng 65.000 học sinh mỗi năm, tức là mỗi năm bình quân cần xây mới gần 3.000 phòng học để đáp ứng chỗ học đạt chuẩn. Mặt khác, nhu cầu giáo viên tại thành phố cũng tăng nhưng biên chế lại hạn hẹp, thậm chí đang phải tinh giản. Thực tế này đã tạo áp lực lớn trong việc nâng chất lượng dạy và học tại thành phố.

Với đặc thù của một thành phố đông dân, nhu cầu giữ trẻ của người dân thành phố là rất cao, đặc biệt là con công nhân lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, song hiện nay, ngành vẫn chưa thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của người dân. Còn đối với bậc phổ thông, sĩ số học sinh/lớp vẫn còn đông, số lớp học 2 buổi/ngày chưa đạt yêu cầu đề ra, dẫn đến khó khăn trong công tác đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong khi đó, mặc dù chương trình giáo dục đã có nhiều điều chỉnh, tuy nhiên vẫn còn quá tải, mang đậm tính hàn lâm, thiếu thực hành, ứng dụng, chưa tạo điều kiện để học sinh phát huy tính sáng tạo; phân phối chương trình chưa phù hợp dẫn đến một hệ lụy là học sinh phải học thêm, giáo viên phải dạy thêm.

Trước thực trạng này, tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng yêu cầu trong năm học tới, thành phố phải chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm, ngoại trừ phụ đạo cho học sinh yếu, tuyệt đối không mở các lớp dạy thêm, học thêm tại các trường. Nếu học sinh có nhu cầu học thêm có thể đến các trung tâm đăng ký học. Thực tế trên thế giới các nước phát triển không dạy thêm học thêm nhưng chất lượng giáo dục vẫn rất tốt.

Đồng tình với quan điểm của Bí thư Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh đi tiên phong trong giảm tải, quyết liệt không dạy thêm, học thêm. Cùng với đó, Bộ sẽ có các văn bản chỉ đạo cùng thành phố giải quyết vấn đề này.

Cần cơ chế đặc thù

Theo ông Đinh La Thăng, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố cần phải xây dựng đề án tổng thể phát triển ngành giáo dục – đào tạo giai đoạn 2015 – 2020 và định hướng đến 2030. Đề án sẽ phải đảm bảo các yêu cầu cụ thể như chương trình giáo dục phải xây dựng cho học sinh, sinh viên lý tưởng, nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, nhân dân chứ không thuần túy là giỏi chuyên môn; xây dựng đặc trưng, bản sắc riêng của con người, văn hóa phương Nam; đưa vào chương trình giáo dục khởi nghiệp, trường học phải là nơi đào tạo, nuôi dưỡng, khơi dậy ước mơ; quan tâm nhiều hơn tới giáo dục thể chất; đẩy mạnh xã hội hóa để nâng cao chất lượng toàn diện, đào tạo phải gắn với doanh nghiệp, thị trường.

Để làm được điều đó, ông Đinh La Thăng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện phân cấp, ủy quyền triệt để, giao trách nhiệm cho thành phố và mạnh dạn cho thành phố thí điểm giải quyết một số vấn đề gặp khó khăn, vướng mắc.

Nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới toàn diện giáo dục – đào tạo, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép ngành giáo dục thành phố có cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cụ thể, Bộ cho phép thành phố tự xây dựng chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ. Đồng thời, cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường.

Bên cạnh đó, giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế và công bố rộng rãi toàn quốc. Đặc biệt, Bộ nên giao quyền tự chủ 100% cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập về chương trình đào tạo, học phí, chỉ tiêu tuyển sinh…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu của cả nước, vì vậy đây sẽ là địa phương đi tiên phong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trong quá trình thực hiện sẽ có những vướng mắc phát sinh, Bộ đồng tình để thành phố có cơ chế đặc thù, thành phố mạnh dạn thí điểm để sắp tới nhân rộng cả nước; trong đó, định hướng chung phát triển giáo dục – đào tạo của thành phố phải đi theo hướng hội nhập gắn với thực tiễn của thành phố; chất lượng phải được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế.

Đồng tình với kiến nghị về giao quyền tự chủ trong đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới Bộ sẽ xây dựng chương trình giáo dục khung chung mang tính chất nền tảng, còn lại các chương trình dạy học sẽ phân cấp, ủy quyền cho thành phố chủ động xây dựng phù hợp với thực tế tại thành phố. Cùng với đó, Bộ sẽ giao quyền tự chủ cho các trường cao đẳng, trung cấp, khuyến khích các trường nghiên cứu, chọn lựa các chương trình nước ngoài đưa vào tổ chức giảng dạy hiệu quả. Đặc biệt, các trường sẽ bình đẳng dựa trên chất lượng đào tạo, Bộ sẽ xây dựng tiêu chí mức xếp hạng khác nhau không phân biệt các trường công và tư.

Thu Hoài (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu