Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 14:51 (GMT +7)
Các trường tự “gắn mác” quốc tế, không khác nào bán hàng giả
Thứ 6, 09/08/2019 | 15:38:00 [GMT +7] A A
VOV.VN -Chưa hề có quy định, tiêu chuẩn thế nào là trường quốc tế, song vẫn có nhiều trường tư thục tự gắn mác quốc tế nhằm thu hút học sinh và thu học phí cao.
Trong cuộc họp báo về vụ học sinh trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GD- ĐT quận Cầu Giấy khằng định trên địa bàn quận không có trường nào là trường “quốc tế” mà chỉ có các trường có yếu tố nước ngoài. Việc có thêm chữ quốc tế – International trong tên trường như trường Quốc tế Gateway (Gateway International School) cũng chỉ là cách để nhà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh.
Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho rằng, trường quốc tế Gateway tự gắn mác “quốc tế”.
Thông tin này đã khiến không ít phụ huynh hoang mang trong những ngày gần đây. Có con trai 5 tuổi, chỉ còn 1 năm nữa sẽ bước vào lớp 1, chị Nguyễn Thúy Quỳnh (Tây Hồ, Hà Nội) đang tìm hiểu thông tin để chọn trường cho con. Mong muốn con được học trong môi trường hiện đại, tiệm cận với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, nên các trường quốc tế được chị cân nhắc lựa chọn hơn cả. Chị Quỳnh cho biết, qua quá trình tìm hiểu, mức học phí tại các trường này thấp cũng khoảng hơn 10 triệu mỗi tháng, thậm chí là vài chục triệu, nhưng đổi lại, con được học trong môi trường tốt, có giáo viên nước ngoài.
Tuy nhiên, sau khi nghe những thông tin về việc không có trường nào là trường quốc tế, vị phụ huynh này không khỏi hoang mang: “Nếu như luật không có trường quốc tế, thì tại sao vẫn có rất nhiều trường gắn mác quốc tế, trường Gateway là một ví dụ. Phụ huynh chúng tôi rất tin tưởng vì nghĩ rằng các trường đều đã được kiểm định bởi cơ quan chức năng ngành giáo dục”.
Thực tế cho thấy, hiện nay ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội có không ít trường liên cấp quốc tế được thành lập và đang hoạt động. Cũng bởi mác quốc tế này, mà không ít phụ huynh sẵn sàng chi cả chục triệu đồng mỗi tháng để con trở thành “học sinh quốc tế”. Nhưng trong các văn bản pháp luật không hề có bất cứ loại hình trường nào là trường quốc tế, Luật Giáo dục cũng không có quy định trường đảm bảo những yếu tố nào, cấp bằng ra sao là trường quốc tế.
Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục cho rằng, hiện nay có nhiều trường tư thục có yếu tố nước ngoài như giáo viên nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không phải trường quốc tế. “Song tâm lý của nhiều phụ huynh cứ thấy có chữ quốc tế trong tên trường, thì tưởng rằng đây là trường quốc tế. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần xem xét đưa ra các quy định cụ thể như đảm bảo các yếu tố thế nào thì mới được công nhận là trường quốc tế. Vấn đề này thực chất đã được đem ra bàn luận từ nhiều năm trước. Chúng ta cần xác định rõ “quốc tế” ở chỗ nào, đạt chuẩn quốc tế về chương trình, giáo viên hay cơ sở vật chất. Có các chuẩn của Singapore, của Mỹ hay của Úc? Trong mỗi nhà trường, cơ sở vật chất là quan trọng, nhưng bản chất của nhà trường vẫn là chương trình học thế nào. Cho dù đào tạo theo chương trình quốc tế nào, thì vẫn là phải qua thẩm định của Bộ GD-ĐT Việt Nam. Các nội dung cần thẩm định như chương trình có phù hợp không, giáo viên có đạt chuẩn không”.
TS Lê Thống Nhất cho biết hiện chưa có bất cứ quy chuẩn nào của Bộ GD-ĐT thế nào là trường quốc tế. (Ảnh: KT)
TS Lê Thống Nhất đưa ra một thực trạng rằng hiện nay có nhiều trường, trung tâm tiếng Anh vẫn tự quảng cáo rằng học sinh được dạy bởi các giáo viên bản ngữ. Nhưng ở nhiều cơ sở giáo dục, những giáo viên này chỉ đơn giản là người nước ngoài nói tiếng Anh mà không hề có kỹ năng sư phạm hay bất cứ bằng cấp sư phạm nào.
“Nhiều trường có danh là quốc tế, nhưng bản chất không có gì quốc tế. Điều này không thể đổ tội cho người học rằng anh không hiểu biết. Các cơ quan nhà nước phải là người định hướng và kiểm soát. Nếu bản chất trường không phải quốc tế thì tên trường tuyệt đối không thể có chữ quốc tế. Bộ GD- ĐT cần có những định hướng rõ ràng. Giống như khi bán hàng, cần nói rõ về chất lượng hàng hóa. Nếu như hàng khóa không đúng chất lượng, thì đây có thể coi là vi phạm pháp luật. Giáo dục là một lĩnh vực đặc biệt, nếu không phải quốc tế, nhưng vẫn treo mác này, thì không khác gì một kiểu bán hàng giả, hoàn toàn có thể xử lý theo Luật hình sự, tùy theo mức độ”, TS Nhất nhấn mạnh.
Những ngày gần đây, việc trường quốc tế “thật” hay “giả” được đưa ra khi trường quốc tế Gateway xảy ra sự cố nghiêm trọng dẫn đến chết người. Điều đáng nói là hàng năm, Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT đều có các đợt kiểm tra các trường trên địa bàn. Hay ngay khi trường xin cấp phép thành lập, các trường đáng ra đã phải kiểm soát được việc trường đặt tên thế nào. Câu hỏi đặt ra là liệu có sự buông lỏng trong công tác quản lý, đặt tên các trường, để nhiều trường lợi dung danh xưng quốc tế, thu hút học sinh, tăng học phí hay không?
TS Lê Thống Nhất thẳng thắn cho rằng những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước ngành giáo dục là có thật. “Ngay khi anh đặt tên trường, thì ngành giáo dục đã phải kiểm soát, giống như các công ty lấy tên thì đều phải chú ý đến bản quyền… Điều này cho thấy chúng ta vẫn còn lỏng lẻo trong quản lý cách đặt tên các trường”.
Trường quốc tế, nhưng chất lượng có đảm bảo quốc tế hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, vì Bộ GD-ĐT chưa công nhận có loại trường này, do đó, cũng chưa có các tiêu chí đánh giá thế nào là chuẩn quốc tế. TS Lê Thống Nhất khuyên các phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin về các trường muốn cho con theo học. “Bản thân tôi cũng đã từng phải chuyển trường cho cháu từ trường tư sang trường công vì thấy chất lượng đào tạo không đảm bảo. Không phải cứ trường tư thục sẽ tốt hơn công lập. Do đó, các phụ huynh cần loại bỏ tâm lý sính ngoại, tìm hiểu kỹ, chọn trường phù hợp cho con”, chuyên gia lưu ý./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
Ý kiến ()