Chủ Nhật, 24/11/2024 19:16 (GMT +7)

Cần Thơ – “Thủ phủ” miền Tây.

Thứ 4, 25/01/2017 | 16:07:00 [GMT +7] A  A

“Cần Thơ gạo trắng, nước trong”, câu ca ấy phần nào đã nói lên sự trù phú mà tạo hóa đã ban cho vùng đất được mệnh danh là “Tây Đô”, tức “thủ đô” của vùng miền Tây Nam Bộ này. Ngày nay, bên cạnh tiềm năng về du lịch nhờ có thiên nhiên, văn hóa mang đậm dấu ấn đặc trưng của miền sông nước Nam Bộ, Cần Thơ còn phát triển mạnh nhiều loại hình kinh tế khác, trở thành trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn, tạo sự kết nối về nhiều mặt với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Về miền gạo trắng, nước trong

Sáng sớm, Yolanda Martinez và Marcelo Loper, hai du khách người Tây Ban Nha, cùng với một cậu hướng dẫn viên du lịch rời khách sạn lên một chiếc ghe nhỏ của người bản xứ để đi xem chợ nổi Cái Răng. Đây là một khu chợ rất nổi tiếng ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ nên hầu như ai đến Cần Thơ cũng đều muốn tới đó.

Chợ nổi Cái Răng là một chợ đầu mối bán đủ thứ trái cây và các mặt hàng nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chợ họp ngay trên sông Cái Răng, đoạn gần cầu Cái Răng, cách trung tâm Tp. Cần Thơ khoảng 6 cây số đường bộ và khoảng 30 phút nếu đi bằng thuyền từ bến Ninh Kiều.

Ngay từ sáng sớm, chợ đã tấp nập kẻ bán người mua, ghe xuồng đi lại như mắc cửi, chiếc nào cũng đầy ắp cái loại trái cây, rau củ. Tiếng máy đuôi tôm kêu tạch tạch, tiếng rao hàng, tiếng gọi nhau í ới vang động cả một khúc sông.


Chợ nổi Cái Răng là một chợ đầu mối nông sản nổi tiếng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Trọng Chính


Một chiếc ghe bán khóm (dứa) ở chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Trọng Chính


Mọi hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, nông sản đều diễn ra ngay trên sông.

Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Nhiều loại trái cây đặc sản của Nam Bộ được đem đến bán ở chợ nổi Cái Răng.

Ảnh: Tư liệu Báo ảnh Việt Nam


Du khách nước ngoài tham quan chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyễn Luân


Toàn cảnh chợ nổi Cái Răng nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoàng Hà

Ngồi trên ghe, hai du khách người Tây Ban Nha hào hứng vừa ngắm nhìn cảnh buôn bán nhộn nhịp trên sông nước vừa thưởng thức bữa ăn sáng ở chợ nổi với món hủ tiếu bày bán trên một chiếc ghe bán dạo. Với họ có lẽ đấy là một cảm giác rất mới lạ và đầy thú vị về khu chợ nổi trên sông, nơi mà mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt đời sống của con người diễn ra sôi động và bình dị trên sông nước, một điều rất hiếm gặp ở đất nước họ và nhiều nơi khác trên thế giới.

Khi mặt trời lên cao, Yolanda Martinez và Marcelo Loper tiếp tục theo ghe đi thăm khu du lịch sinh thái nhà vườn Út Hiên. Tại đây, họ cùng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt với các thành viên trong gia đình, đặc biệt là được khám phá những khu vườn đầy cây trái đặc trưng của miền nhiệt đới cũng như đời sống văn hóa độc đáo của vùng nông thôn Nam Bộ.

Yolanda Martinez tâm sự: “Cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây thật bình dị và gần gũi với thiên nhiên. Ở Tây Ban Nha, quanh năm chúng tôi sống trong thành phố nên rất muốn tìm đến những chốn bình yên và trong lành như thế này để nghỉ ngơi, thư giãn và khám phá”.

Cần Thơ là địa phương có thế mạnh rất riêng về du lịch với nhiều địa danh nổi tiếng mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử đất phương Nam như bến Ninh Kiều, nhà cổ Bình Thủy, chợ nổi Cái Răng… Hiện nay, dựa trên những lợi thế của vùng sông nước chằng chịt, những vườn cây trái xanh tươi, nghệ thuật ẩm thực đồng quê hấp dẫn… Cần Thơ bắt đầu quan tâm đầu tư phát triển thêm loại hình du lịch xanh, du lịch cộng đồng, nhằm tạo ra những tour khám phá mới lạ để phục vụ du khách.

Tại điểm du lịch homestay trong vườn nhà chị Trần Thị Mỹ Hiên ở phường Ba Láng, quận Cái Răng, chỉ trong vòng hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi đã thấy chủ nhà đón rất nhiều đoàn khách quốc tế với số lượng phải hơn 300 người đến tham quan.

Chị Mỹ Hiên cho biết, chị đầu tư vào mô hình này từ năm 2006, ở đây có một vườn cây ăn trái với đủ các loại trái cây đặc trưng miệt vườn Nam Bộ cùng các khu nhà nghỉ, khu ăn uống… Du khách đến đây được tham gia trải nghiệm thú vui làm bánh, nấu ăn, hái trái cây, nghỉ ngơi qua đêm trên giường tre, trò chuyện với người trong gia đình về đời sống và văn hóa vùng sông nước Nam Bộ…

Được biết, ở Cần Thơ hiện có 14 điểm homestay kiểu như thế này, chủ yếu là do người dân tự đầu tư và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, phát huy được thế mạnh du lịch của vùng sông nước. Trong đó nổi bật nhất là Làng Du lịch Mỹ Khánh rộng hơn 15ha, với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như đờn ca tài tử, các trò chơi dân gian, đua chó, đua heo… nên thu hút đông đảo du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.


Du khách nước ngoài uống trà và thưởng thức trái cây tại khu du lịch sinh thái nhà vườn Út Hiên.

Ảnh : Nguyễn Luân


Du khách đạp xe tham quan vùng thôn quê Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân


Du khách trải nghiệm cảm giác mạnh khi đi qua cây “cầu khỉ” đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ.
Ảnh: Nguyễn Luân


Hệ thống sông ngòi chằng chịt, các cồn xóm, vườn cây ăn trái bạt ngàn…
là điều kiện thuận lợi để Cần Thơ phát triển loại hình du lịch sông nước. Ảnh: Trọng Chính


Nhà cổ Bình Thủy (quận Bình Thủy) được xây vào năm 1870 theo kiến trúc kiểu Pháp

hiện là điểm đến của nhiều du khách khi đến thăm Cần Thơ. Ảnh: Trọng Chính
Nghề làm bánh tráng truyền thống ở miệt vườn Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Luân


Trường đua chó trong khu du lịch Mỹ Khánh ở Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Luân


Hai cô gái người nước ngoài dạn dĩ thử cảm giác mạnh khi bắt một chú rắn nước,
loài động vật thường thấy ở vùng sông nước Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân


Cần Thơ nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản Nam Bộ. Ảnh: Nguyễn Luân

Cần Thơ được xem là trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến tháng 9/2016, lượng khách lưu trú đạt hơn 1,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 200.000 lượt khách quốc tế.

Ngoài đầu tư vào các mô hình du lịch, các tour du lịch độc đáo, mới lạ… ngành du lịch Cần Thơ cũng tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và đội ngũ làm du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Đến nay, Cần Thơ có 236 cơ sở lưu trú du lịch với trên 6000 phòng nghỉ, trong đó có khách sạn 5 sao và những khu nghỉ dưỡng cao cấp ven sông…

Ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, Cần Thơ cố gắng phát triển du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo được việc giữ gìn các giá trị văn hoá đặc trưng, đáp ứng tiêu chí “an toàn, thân thiện và chất lượng”. Qua đó, du lịch sẽ là ngành giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, từ đó góp phần mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương.

Điểm kết nối kinh tế của toàn vùng

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Cần Thơ vừa là thành phố trực thuộc Trung ương, lại vừa là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mekong. Đây là trung tâm kinh tế, văn hoá, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước. Vì thế, Cần Thơ có nhiều tiềm năng và thuận lợi để trở thành trung tâm logistics và công nghiệp, kéo theo sự phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đó, ngoài sân bay quốc tế Cần Thơ, thành phố này còn đầu tư phát triển khá mạnh hệ thống cảng đường thủy. Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ hiện đang quản lý 2 cảng là Cái Cui (phường Tân Phú, quận Cái Răng) và Hoàng Diệu (quận Bình Thủy). Cảng Cái Cui được đầu tư xây dựng với mục tiêu trở thành cảng tổng hợp kết hợp quốc tế nhằm phục vụ hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu đóng container của Đồng bằng sông Cửu Long đến các cảng đầu mối quốc gia, Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mekong. Đây được coi là cảng tốt nhất vùng khi có tổng diện tích lên đến hơn 39ha với hệ thống hạ tầng cầu cảng, trang thiết bị xếp dỡ và kho bãi hiện đại, có thể tiếp nhận được tàu trọng tải 20.000 tấn. Nhiều chuyên gia đánh giá, Cái Cui sẽ là cảng trung tâm để xây dựng dịch vụ logistics của Cần Thơ.

Ngoài hai cảng trên, Cần Thơ còn có cảng Trà Nóc, Tân Cảng - Thốt Nốt… các cảng này đều nằm trong vùng nông sản, thủy hải sản của Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…nên cũng rất thuận lợi cho việc giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Các mặt hàng thủy sản là thế mạnh xuất khẩu của Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Luân
Hoạt động bốc dỡ gạo trên sông Hậu. Ảnh: Nguyễn Luân


Cần Thơ cũng là địa phương có thế mạnh về sản xuất, buôn bán các loại máy nông cụ.

Ảnh: Nguyễn Luân

Đánh giá về kỳ vọng phát triển của hệ thống cảng ở Cần Thơ, ông Phan Thành Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ cho biết, một khi trở thành trung tâm logistics của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ sẽ phát huy được vai trò là trung tâm dịch vụ hậu cần đa phương tiện trong lưu thông và phân phối hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho toàn vùng. Và lúc đó, các mặt hàng chủ lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm được nhiều chi phí vận chuyển và thời gian đi lại khi không phải chuyển hàng đi đóng tại các cảng ở Tp. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu.

Một điểm sáng nữa của Cần Thơ đó là hệ thống các Khu công nghiệp. Cần Thơ hiện có 8 Khu công nghiệp tập trung, trong đó 6 Khu công nghiệp đang hoạt động và 2 Khu công nghiệp đang trong quá trình quy hoạch, tổng diện tích khoảng 2.267ha, tập trung sản xuất các mặt hàng thế mạnh như chế biến thủy sản, gạo, may mặc, máy nông cụ, thép… Đây cũng chính là cơ sở để Cần Thơ phấn đấu trở thành thành phố công nghiệp vào năm 2020.

Dọc trên quốc lộ 91, Khu công nghiệp Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 nổi bật nhờ có quy mô chừng 300ha cùng cơ sở hạ tầng hoàn thiện với hơn 180 dự án hoạt động ổn định từ nhiều năm nay.

Khu công nghiệp Thốt Nốt có diện tích 600ha được đặt tại khu vực có vùng nguyên liệu nông thủy sản dồi dào cùng với nhiều chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn như quỹ đất rộng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong các năm đầu, mọi thủ tục được giải quyết nhanh chóng… nên đang là nơi đầu tư lý tưởng của các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Trưởng Ban quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi tiếp tục tạo nhiều điều kiện thuận lợi như rút ngắn đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính; thông qua cơ chế “một cửa tại chỗ” trong việc cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cấp chứng chỉ quy hoạch và xây dựng, cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp giấy chứng nhận hàng hóa mẫu D, thẩm định thiết kế cơ sở và phê duyệt báo cáo tác động môi trường…”.Với tiềm năng nổi bật như trên, Cần Thơ hứa hẹn sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như kỳ vọng của Trung ương đã đề ra./.
Bài: Nguyễn Oanh – Ảnh: Nguyễn Luân, Trọng Chính,
Hoàng Hà và Tư liệu Báo ảnh Việt Nam

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu