Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 09:59 (GMT +7)
Giải pháp cho nạn bạo lực học đường cần lấy phòng làm chính
Thứ 5, 18/04/2019 | 09:05:00 [GMT +7] A A
Ngày 17/4, gần 20.000 đại biểu tham gia ở các điểm cầu Hội nghị trực tuyến do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức đã thể hiện sự đồng tình, quyết tâm cao trong đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Nhiều giải pháp được đưa ra để phòng chống bạo lực học đường.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ông Phùng Xuân Nhạ chia sẻ: Thời gian qua đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Riêng Bộ GD&ĐT cũng có nhiều thông tư liên quan cũng như những văn bản cá biệt, chỉ thị về nội dung này, mà mới đây nhất là Chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục.
Những nguyên nhân của tình trạng gia tăng bạo lực học đường đã được nêu ra tại hội nghị, trong đó đáng chú ý là do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội…
Việc một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; công tác tuyên truyền, giáo dục liên quan đến nội dung này chưa hiệu quả, thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế, một số nhà giáo, quản lý giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực… cũng khiến tình trạng bạo lực học đường tăng mạnh thời qua.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, giải pháp cho nạn bạo lực học đường là lấy phòng làm chính.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện quan điểm: Cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để phòng bạo lực học đường là chính; Ngành giáo dục phải tiên phong, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này. Trong vấn đề này cần thể hiện rõ hơn vai trò của nhà trường, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, phụ trách đoàn, hội, đội… Trách nhiệm của không chỉ hiệu trưởng mà cả lãnh đạo nhà trường, cũng cần được nâng cao hơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đề nghị 63 sở GD&ĐT tỉnh, thành phải thực hiện rất nghiêm túc các chủ trương của bộ, ngành. Phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm của không chỉ các bộ ngành, địa phương, BGH nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và học sinh sinh viên trong nhà trường; trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội.
Bộ trưởng Nhạ cũng lưu ý quan điểm ngành GD&ĐT cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” bạo lực học đường là chính chứ không phải chỉ nặng về xử lý. Giáo viên và mỗi nhà trường phải là những người sát sao nhất, tìm hiểu, giải tỏa các mâu thuẫn, nắm bắt được từng hoàn cảnh tâm tư của học sinh cần sự quan tâm đặc biệt hơn, nhân rộng những cách làm tốt.
Với sự đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thể hiện niềm tin và sức lan tỏa của hội nghị về đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Bộ trưởng đồng thời lưu ý cần tăng cường phổ biến các văn bản, quy định, đặc biệt văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị, thông tư của Bộ GD&ĐT có liên quan đến vấn đề này.
Ý kiến ()