VOV.VN – Điều mà các trường đại học tư thục mong đợi vẫn là sự đánh giá đúng tầm từ người học, từ xã hội và các cơ quan quản lý.
Dù chiếm tỷ lệ chưa tới 20% trong tổng số gần 1,8 triệu sinh viên của các nước, nhưng nhiều năm qua, hệ thống giáo dục đại học tư thục tại nước ta đã có những thay đổi đáng ghi nhận.
Cập nhật mô hình quốc tế, tập trung đầu tư có trọng điểm, hiệu quả và đổi mới quyết liệt là những gì đại học tư thục đã làm được.
Các trường đại học tư thục cần nhiều cơ chế để phá bỏ rào cản công – tư.
Điều mà các trường đại học tư thục mong đợi vẫn là sự đánh giá đúng tầm từ người học, từ xã hội và các cơ quan quản lý. Do đó, trong định hướng phát triển giáo dục đại học Việt Nam thời gian tới, lãnh đạo nhiều trường tư đề xuất việc xóa bỏ sự phân biệt công -tư trong chính sách quản lý, hỗ trợ nhằm tạo nên môi trường cạnh tranh bền vững hơn.
Hiện cả nước có 66 trường đại học tư thục, chiếm khoảng 28% trong tổng số các cơ sở giáo dục đại học. Việc điểm tên các trường đại học tư thục có tiếng không còn khó, nhưng nhiều trường cho rằng họ chưa thực sự được quan tâm và đánh giá đúng mức so với những gì đã xây dựng, đầu tư.
Cũng còn có trường đại học tư thục chưa làm tốt vai trò của mình khiến sự tin cậy của cộng đồng về chất lượng giáo dục tư thục chưa cao nhưng chỉ là cá biệt. Giáo sư, Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho rằng cần có sự nhìn nhận công bằng hơn trong cách đánh giá, tạo động lực phát triển đại học tư thục.
Giáo sư Mai Hồng Quỳ nói: “Giáo dục tư thục có phát triển hay không phụ thuộc vào việc các cơ sở giáo dục tư thục giải quyết vấn đề chất lượng. Nhưng sau khi có chất lượng rồi họ thực sự có được đánh giá như đúng cái mà họ đã có và đã làm không? Điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào những cơ quan, đơn vị và những cá nhân khác. Cho nên chúng tôi vẫn cho rằng thay đổi về nhận thức vẫn là thay đổi mang tính chất tiên quyết vì hiện nay độ tin cậy đối với giáo dục tư thục chưa cao”.
Ông Kiều Tuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Công nghệ TP HCM cho rằng, lâu nay khái niệm “công bằng” vẫn còn khá mông lung khi nói đến hệ thống giáo dục đại học tư thục và công lập. Độ vênh giữa quy định và thực tế vẫn khiến nhiều trường đại học tư thục thiệt thòi trong khi công sức bỏ ra cũng như đóng góp của họ cho nền giáo dục là không hề nhỏ.
Ông Kiều Tuân đề xuất: “Cần sự công bằng về mọi mặt đối với đội ngũ giảng viên, cán bộ công nhân viên, đối với sinh viên giữa trường công với trường tư. Trong Luật Giáo dục Đại học mới bây giờ có vẻ tạo được công bằng rồi nhưng để thực hiện cái công bằng đó là rất khó. Nếu thực hiện được sự công bằng đó thì chắc chắn hệ thống đại học tư thục sẽ phải triển mạnh và nhanh hơn các trường công lập”.
Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân cho rằng, vai trò của hệ thống trường đại học tư thục tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận đúng, đi kèm với đó là những “rào cản” khiến các trường rất khó phát triển như mong muốn. Trong quá trình toàn cầu hóa như hiện nay, theo ông Minh, việc cập nhật chương trình quốc tế, dịch chuyển người học thôi chưa đủ mà còn phải dịch chuyển cả chính sách để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục tư thục.
Đây là điều mà nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã làm hiệu quả. Thậm chí có nước còn thu hút được 70- 80% sinh viên vào trường tư. Tiến sĩ Đàm Quang Minh nói: “Đối với nhiều quốc gia, tiền học phí hay tiền hỗ trợ học sinh, sinh viên của Chính phủ không phân biệt công tư, cứ vào là trường hỗ trợ. Học sinh, sinh viên cũng có thể đóng bù thêm hoặc bỏ chi phí tham gia các dự án… Bây giờ môi trường đại học của chúng ta đang tiến tới đỡ hơn rất nhiều. Các trường đại học tư thục đã đẩy mạnh tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động hơn nhưng đâu đó vẫn còn khoảng cách. Do vậy, trong định hướng sắp tới, sự phân biệt công – tư cần được gỡ bỏ”.
Các thống kê cho thấy, mỗi năm, một sinh viên đang theo học tại trường đại học công lập tại Việt Nam được nhà nước hỗ trợ tầm 10 triệu đồng. Đây là con số quá khiêm tốn trong điều kiện hiện nay, đó là chưa đề cập đến sự dàn trải trong việc đầu tư. Do đó, việc đẩy mạnh sự phát triển của sinh viên đại học tư thục đạt tỷ lệ 40% như Chính phủ đã đề ra là cần thiết.
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi sẽ mở ra nhiều cơ chế thoáng giúp giáo dục tư thục tháo những nút thắt hiện nay. Luật tạo hành lang pháp lý phù hợp nhưng đi vào thực tiễn như thế nào là vấn đề cần tính toán kỹ. Việc quy hoạch mạng lưới trường đại học tư thục sẽ phải triển khai nhằm đảm bảo các trường thực hiện tốt yếu tố cạnh tranh, đối tượng phục vụ, chất lượng và kinh tế. Trong đó, nếu cần sẽ đẩy mạnh quá trình liên kết để tạo nên các đại học tư thục lớn mạnh hơn.
Sự đánh giá công tâm vì nhìn nhận đúng tầm cùng với những chiến lược phát triển có hệ thống, dài hơi, phù hợp với điều kiện mới là điều mà các trường đại học tư thục đang mong đợi khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đi vào thực tế./.
Theo Mỹ Dung/VOV-TPHCM
Ý kiến ()