Thứ Hai, 25/11/2024 08:49 (GMT +7)

Học sinh mắc lỗi, phạt như thế nào là phù hợp

Thứ 7, 18/05/2019 | 09:31:00 [GMT +7] A  A

Những ngày gần đây, việc một cô giáo ở Hà Nội phạt học sinh quỳ hay một giáo viên ở Hải Phòng liên tục đánh vào mặt, vào người học sinh đã khiến dư luận rất bất bình. Nhiều giáo viên và các nhà giáo dục đã chia sẻ kinh nghiệm sư phạm về các hình thức thưởng, phạt nghiêm minh mà học sinh không bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần.

“Nghệ thuật thưởng – phạt”

Cô Trần Thị Hội, giáo viên trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) cho biết: Học sinh cấp III đa phần đã tự chủ được hành động cũng như suy nghĩ. Về mặt cảm xúc, học sinh cũng biết kiềm chế, phân biệt được những gì nên làm và không nên làm. Song ở lứa tuổi này các em lại có mong muốn khẳng định mình và có “cái tôi” rất cao. Các em muốn được người khác công nhận nên cần nhất là sự tâm lý, sự động viên, nhắc nhở kịp thời của người lớn. Đôi khi, những sự việc rất nhỏ nhưng do tác động từ bên ngoài, nên đẩy sự việc đi xa và mất kiểm soát.

Bức ảnh học sinh quỳ gối này lan truyền rất nhanh trên mạng xã hội trong những ngày qua

Cô Trần Thị Hội còn nhớ một tình huống nhỏ khi cô mới vào nghề. Buổi lên lớp đầu tiên của cô, có học sinh không đứng lên chào do thấy cô giáo vừa nhỏ người lại rất trẻ. Cô vẫn đứng nghiêm, không nói gì. Cả lớp thấy đứng lên chào cô một lúc mà không thấy cô chào lại và cho ngồi, các em ngơ ngác nhìn nhau. Cô chỉ nhẹ nhàng bảo: “Cô thấy có một học sinh vẫn chưa chào cô” và mắt hướng về học sinh đó. Cả lớp dồn mắt vào em này, khi bạn bên cạnh thúc thì em đó đứng lên. Cô giáo chỉ cười và bảo: “Cô chào các em, cô mời cả lớp ngồi xuống” và vào bài giảng như bình thường. “Đôi khi không cần nói nhiều, không cần giải thích… Vì tầm tuổi này các con sợ đánh giá của bạn bè còn hơn cả cô giáo” – cô Trần Thị Hội nhớ lại.

TS Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, người từng nhiều năm tiếp nhận học sinh “hư” cũng chia sẻ những vất vả, áp lực của nghề giáo. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế, ông cho rằng nhiều giáo viên hiện nay vẫn còn nóng vội trong ứng xử với học sinh. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm, sinh lý của học trò. Hơn nữa khi xung đột với học sinh cần bàn bạc với giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng để cùng tìm cách phù hợp.

Còn TS Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, hình phạt là một phần trong nghệ thuật thưởng phạt, giống như quy định của pháp luật. Sai cái gì, phạt như thế nào cần xem xét. Thường các hình thức phạt được quy định rất rõ ràng cho từng hành vi phạm lỗi. “Tôi quy định rất rõ: Nếu con vứt rác lung tung – con sẽ phải dọn dẹp lớp học, quét và lau chùi cả lớp; Nếu con phá phách – con sẽ phải tập thể dục một lúc cho xả bớt năng lượng; Nếu con đi học muộn – con sẽ phải ở lại lớp mà không được đi công viên; Nếu con trêu chọc bạn – con sẽ phải đứng nhìn các bạn chơi một trò chơi hết sức thú vị (trẻ nào cũng thích) mà không được chơi. Bên cạnh đó, các lỗi không quy định rõ thì cô giáo có thể áp dụng hình thức: úp mặt vào tường, tập thể dục,…Đôi khi sẽ có bạn nào đó tấm tức khóc vì chịu phạt … Nhưng các cô không nói thêm câu nào, im lặng tôn trọng cảm xúc buồn của bạn ấy. Ngược lại, giáo viên làm sai cũng bị phạt” – TS Vũ Thu Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Đã đến lúc thay đổi

Phân tích về những hình phạt đối với trẻ em, học sinh hiện nay, TS Vũ Thu Hương cho biết: “Hành vi quát, mắng, đánh… vẫn thường xuất hiện trong cả gia đình và nhà trường. Đây là bạo hành, không phải là hình phạt và không có giá trị giáo dục. Các thầy cô và cha mẹ sẽ cảm nhận rõ sự bất lực của chính mình khi đang quát, mắng, đánh lũ trẻ. Bọn trẻ ngơ ngác, chẳng hiểu gì hoặc trơ ra, lì ra, càng ngày càng khó bảo hơn”.

TS Vũ Thu Hương khẳng định: Nếu hình phạt được quy định và thực hiện nghiêm túc, trẻ sẽ thực sự hiểu biết, ngoan ngoãn và trưởng thành.

Hiện nay, căn cứ để các nhà trường xem xét, kỷ luật học sinh là Thông tư số 08/TT của Bộ Giáo dục hướng dẫn khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh phổ thông. Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD – ĐT) thì thông tư này đã ban hành hơn 30 năm, và theo phản ánh của giáo viên không còn phù hợp với tình hình thực tế. Bộ GD- ĐT giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu và đề xuất các giải pháp, hình thức kỷ luật phù hợp với tình hình hiện nay.

Ông Bùi Văn Linh cũng cho biết, hiện nay Bộ GD- ĐT đã hoàn thiện xong dự thảo thông tư. Tới đây, Bộ sẽ tổ chức các hội thảo góp ý kiến, dự kiến tháng 10/2019, Thông tư thay thế sẽ được ban hành. Bên cạnh đó, Bộ GD – ĐT cũng đang chờ Quốc hội xem xét, thông qua Luật Giáo dục sửa đổi để làm cơ sở ban hành các chính sách cụ thể nhằm tăng cường xây dựng văn hoá học đường, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Để phù hợp với tình hình thực tế thì theo các nhà tâm lý giáo dục, quy tắc thưởng – phạt cần phải thay đổi theo hình thức kỷ luật tích cực mà các tổ chức giáo dục tiên tiến đang hướng tới. TS Trần Thành Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng việc trừng phạt thân thể là một biện pháp mà người lớn từ trước tới nay vẫn sử dụng và cho rằng hiệu quả, mà không biết rằng những thương tổn về tinh thần có khi là mãi mãi đối với các em. Tuy nhiên, nếu không có những quy tắc, hình phạt để điều chỉnh hành vi thì giáo viên sẽ mất đi chức năng của nhà giáo dục.

Do đó, theo TS Trần Thành Nam, cần phải có một hệ thống nguyên tắc, nội quy kỷ luật được ban hành dựa trên nguyên tắc tôn trọng trẻ, phù hợp với lứa tuổi phát triển của các em. Đồng thời, cách tốt nhất để làm thay đổi hành vi ở trẻ “hư” không phải chỉ là phạt mà luôn chú ý khuyến khích, khen ngợi kịp thời những cố gắng của các em dù là nhỏ nhất.

Ở một góc độ khác, TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc thay đổi ấy không chỉ ở người làm giáo dục mà cần một môi trường từ gia đình, nhà trường và xã hội.

“Đã có danh sách các hình thức xử phạt để giáo viên căn cứ vào đó thực hiện, nhưng trong đó không có hình phạt “quỳ” hay “đánh”. Tuy nhiên, không phải vì thiếu “đánh”, thiếu “quỳ” mà trẻ hư, trẻ không tôn trọng thầy cô. Cũng không phải do không “đánh” hay “quỳ” mà tước hết quyền của nhà giáo. Vì thầy cô không cần những vũ khí đó nếu thầy cô được hành nghề trong bối cảnh mỗi nhà, mỗi nơi đều quan tâm đến trẻ, mỗi người cha, người mẹ đều thực hiện những nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với con của họ”- TS Chu Cẩm Thơ phân tích. “Theo tôi, phải bắt đầu lại về mục tiêu giáo dục, về thực thi giáo dục và các giá trị khác chứ không phải chỉ là dạy về kiến thức”, TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.

Thực tế, quy định thưởng phạt mà ngành giáo dục ban hành đã quá cũ so với tình hình hiện nay nhưng các nhà trường vẫn phải dựa vào quy định này. Còn các giáo viên vẫn đang “mạnh ai người nấy làm”, tuỳ cơ ứng biến. Còn các chuyên gia giáo dục thì khẳng định: Rất cần gia đình, nhà trường, xã hội nhìn nhận đúng bản chất về kỷ luật và hình phạt trong giáo dục – đào tạo, để không làm tổn thương con trẻ về tinh thần hay thể xác, mà phải cảm hoá và thuyết phục các con bằng tình thương yêu chân thành.

Theo Lê Vân/ Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu