Diễn ra trong hai ngày với các phiên họp toàn thể, thảo luận mở và các buổi thảo luận chuyên ngành kỹ thuật, hội nghị thu hút hơn 380 người tham dự đến từ 85 tổ chức.
Các đại biểu dự hội thảo và diễn giả lắng nghe phần phát biểu mở màn tại Hội nghị Giáo dục ngành Kỹ thuật Việt Nam (VEEC) tại TP HCM. |
Theo các thành viên tham dự, mục tiêu của Việt Nam nhằm tăng cường đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật, nghiên cứu và công nghệ mang tính quốc tế xoay quanh khả năng thiết lập các mối quan hệ hợp tác giữa các nhà giáo dục, doanh nghiệp và chính phủ.
“Hội nghị năm nay tập trung vào tính cạnh tranh của nguồn nhân lực – làm thế nào để đào tạo ra các kỹ sư không chỉ có trình độ cao mà còn có khả năng thích ứng tốt. Sự hợp tác giữa giáo dục và hội ngành sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các nhu cầu lao động của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng” – ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP HCM cho biết.
Trong năm 2015, ASEAN đã thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) nhằm thực hiện các sáng kiến hội nhập kinh tế giữa 10 quốc gia thành viên, và trong tháng 2 vừa qua, Việt Nam là một trong 12 quốc gia nằm trong Vành đai Thái Bình Dương ký hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Mục tiêu chính của TPP là tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đổi mới, năng suất và năng lực cạnh tranh, nâng cao mức sống và giảm nghèo, tăng cường tính minh bạch, nâng cao khả năng quản lý cũng như bảo vệ người lao động và bảo vệ môi trường.
Phiên thảo luận chuyên ngành kỹ thuật tại hội nghị năm nay cũng đã đề cập đến cách thức phát triển các ủy ban và hội đồng hoạt động có hiệu quả, nuôi dưỡng quan hệ với đối tác và các nhà đầu tư trong ngành, đồng thời thực hành nghiên cứu, phát triển và đánh giá. Các đối tác của HEEAP gồm các viện, đại diện ngành từ các nước tham gia TPP và các nhà giáo dục kỹ thuật Hoa Kỳ đã điều hành phiên họp.
Trong bài phát biểu tại VEEC, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngài Ted Osius chú trọng vào tầm quan trọng của việc đổi mới như chiếc chìa khóa để phát triển kinh tế. “Đổi mới chính là điều giữ cho nền kinh tế luôn năng động, đồng thời thúc đẩy nó phát triển”, ngài nhận xét.
Đại sứ Osius đã vạch ra một hệ sinh thái ba mũi nhọn nuôi dưỡng đổi mới: một hệ thống giáo dục khuyến khích tư duy phê phán, khen thưởng sự sáng tạo và tặng thưởng cho các phát minh thông qua sự hỗ trợ nghiên cứu rộng rãi; sự hỗ trợ của chính phủ cho hoạt động nghiên cứu và khung pháp lý để bảo vệ những ý tưởng mới; và một khu vực tư nhân tạo điều kiện cho các ý tưởng tốt nhất được phát triển một cách đầy tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, bà Sherry Boger, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intel Products Việt Nam và ông Andrew Bell, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc các chương trình giáo dục, Tập đoàn National Instrument (Hoa Kỳ), đã đề cập đến cách thức Internet of Things (mạng lưới vạn vật kết nối Internet) thay đổi thế giới và chỉ ra ý nghĩa có nó đối với tương lai của ngành giáo dục.
Bà Boger, người chịu trách nhiệm thực hiện dự án trị giá 1 tỉ USD của Intel với cơ sở lắp ráp và kiểm tra tiên tiến nhất tại TP HCM, đã có cơ hội trực tiếp nói chuyện với khán giả là những nhà giáo dục. Với mục tiêu tuyển được 4.000 lao động khi nhà máy khởi động và vận hành, bà Boger khẳng định, “Tương lai của Việt Nam nằm trong tay các bạn”./.
Ý kiến ()