Thứ Hai, 25/11/2024 16:22 (GMT +7)

Khuyến khích trường đại học đăng ký kiểm định với các tổ chức quốc tế uy tín

Thứ 4, 18/09/2019 | 14:51:00 [GMT +7] A  A

Luật Giáo dục đại học mới yêu cầu các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục phải độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và với cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá, kiểm định với các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế có uy tín.

Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay nước ta có 7 trường đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN – QA.

Trong đó, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh được cả 2 tổ chức trên công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Có 132 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và công nhận, trong đó có 95 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 20 chương trình đánh giá theo chuẩn của Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI), 6 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và công nghệ – tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET) , 6 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh, Hoa Kỳ (ACBSP), 5 chương trình đánh giá theo chuẩn của Quỹ Kiểm định các chương trình quản trị kinh doanh quốc tế (FIBAA)…

Một số trường đại học đã tham gia xếp hạng bởi tổ chức quốc tế, không những khẳng định được thương hiệu mà còn có cơ sở để phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Số lượng các trường có tên trong các bảng xếp hạng quốc tế ngày càng nhiều lên và thứ hạng cũng từng bước được cải thiện, tới nay có 3 trường có tên trong danh sách 1.000 trường tốt nhất thế giới (2 Đại học quốc gia ở bảng QS, Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở bảng ARWU). Ngoài ra, 3 trường đại học đã được chứng nhận 3 và 4 sao theo QS – Stars .

Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục, ông Lê Mỹ Phong cho rằng, vẫn cần hoàn thiện hệ thống văn bản do một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình mới; cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như các chế tài về công tác kiểm định chất lượng giáo dục còn chưa cụ thể; một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo còn chưa được ban hành (như chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp; chương trình đào tạo từ xa đối với giáo dục đại học…); một số hướng dẫn đánh giá đã được ban hành nhưng còn chậm.

Bên cạnh đó, ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp hệ thống còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Hệ thống phần mềm quản lý về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục thì chưa được thiết lập và vận hành.

“Hoạt động đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục dần đi vào nền nếp và đang từng bước được hoàn thiện, nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đồng đều giữa các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đội ngũ đánh giá viên và kiểm định viên còn thiếu và chưa được sử dụng có hiệu quả; trong khi có một số người tham gia rất nhiều đoàn đánh giá thì nhiều người khác từ khi có thẻ kiểm định viên đến nay chưa từng được mời tham gia”, ông Lê Mỹ Phong nói.

Theo Lê Vân/ Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu