Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 04/12/2024 00:24 (GMT +7)
Tân Hưng: Cựu chiến binh nuôi chim le le, thu nhập hàng trăm triệu đồng
Thứ 2, 31/07/2023 | 16:10:22 [GMT +7] A A
Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng với nghị lực, quyết tâm và sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ông Lê Thanh Tùng, hội viên Hội Cựu chiến binh ở khu phố Gò Thuyền, thị trấn Tân Hưng đã mạnh dạn tiên phong thực hiện mô hình nuôi le le (vịt trời) tại địa phương. Qua gần 5 năm thực hiện cho thấy mô hình đạt hiệu quả cao, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 1981, ông Lê Thanh Tùng tình nguyện lên đường nhập ngũ và đến năm 1984 thì ông hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xuất ngũ trở về địa phương. Từ năm 1986, ông tham gia công tác tại xã Vĩnh Thạnh, sau đó chuyển về thị trấn Tân Hưng. Năm 2013 ông được giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Tân Hưng đến tháng 10/2018 thì trở về cuộc sống đời thường.
Với niềm đam mê chăn nuôi, sau khi nghỉ hưu ông Tùng đã tích cực, tìm tòi nghiên cứu, ra tận Bình Dương để học hỏi kinh nghiệm nuôi le le. Sau một thời gian cân nhắc ông quyết định chuyển 01 ha đất trồng lúa để đào ao, làm bờ bao chống lũ, lên các bờ liếp và đầu tư 18 triệu đồng đến tỉnh Cà Mau để mua 30 cặp le le bố mẹ về nuôi thử nghiệm.
Buổi đầu việc chăn nuôi gặp không ít khó khăn do chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong việc nuôi le le nên hiệu quả đạt được chưa cao. Ông Tùng đã tham gia các lớp tập huấn và học hỏi kinh nghiệm từ các nơi khác, vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm thực tiễn, nhờ đó mà từng bước khắc phục những khó khăn, mô hình nuôi dần có hiệu quả tốt hơn. Sau 01 năm thả nuôi, le le đã sinh sản thêm được 500 con, ông Tùng giữ lại làm giống.
Theo ông Tùng, le le nuôi khoảng 8 tháng là đẻ trứng, mỗi năm một con le le cái đẻ từ 3 đến 5 lần, thời gian đẻ trứng bắt đầu khoảng từ tháng 12 âm lịch đến tháng 9 âm lịch năm sau, mỗi lần đẻ từ 8 - 10 trứng, đưa vào lò ấp khoảng 28 đến 30 ngày là trứng nở, hôm sau đem le le con ra ương.
Le le là loài chim hoang dã có đặc điểm sinh học khác với các loài khác là khả năng miễn dịch khá cao nên cũng ít bị bệnh, giảm bớt chi phí trong chăn nuôi. Lúc đầu, le le còn nhỏ, ông Tùng cho ăn thức ăn nhiễn, khi le le được 01 tháng thì chuyển sang cho ăn lúa, lục bình. Sau gần 5 năm thực hiện mô hình, hiện tại đàn le le của ông lên đến hơn 02 ngàn con bố mẹ, mỗi tháng ông Tùng xuất bán 01 ngàn con le le giống, giá bán dao động từ 250 đến 350 ngàn đồng/con, tùy theo ngày của le le, lợi nhuận thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Tùng không chỉ là hội viên nòng cốt, tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương và Hội Cựu chiến binh các cấp phát động mà ông còn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ mô hình nuôi le le, ông Lê Thanh Tùng đang góp phần mở ra một hướng đi chăn nuôi mới cho người dân tại địa phương./.
Văn Sách – Duy Phước
Ý kiến ()