Chủ Nhật, 24/11/2024 11:21 (GMT +7)

Thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học

Thứ 6, 20/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nhấn mạnh cần tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đây được xem là nhiệm vụ trọng tâm và đã được Bộ GD – ĐT hiện thực hóa bằng các văn bản tới các trường đại học năm 2015. Tuy nhiên, việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học vẫn gặp khó và cần những cơ chế từ phía quản lý.

Kinh phí và cơ chế vẫn bó chân

Vừa làm nghiên cứu khoa học, vừa giảng dạy là công việc bắt buộc của giảng viên trường đại học, đặc biệt những đại học đi theo định hướng nghiên cứu, ứng dụng. Trong những năm gần đây, mỗi năm ĐH Quốc gia Hà Nội luôn công bố những nhóm nghiên cứu mạnh, cùng với những đề tài nghiên cứu trên trang mạng của nhà trường. Những thành viên nghiên cứu phần lớn đứng giảng dạy và họ đang nỗ lực đóng góp một phần không nhỏ những nghiên cứu từ trường đại học tới cộng đồng, cũng như tạo môi trường học thuật tốt để có những cử nhân lành nghề.

Tăng cường cơ chế khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học.

Là thành viên của đề tài “Công nghệ hóa học vật liệu và năng lượng sạch” của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), TS Nguyễn Tiến Thảo đã có những đóng góp trong việc nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Những đề tài TS Thảo tham gia đã được ứng dụng trong đời sống và là bệ phóng cho những sinh viên, nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, để có những thành quả nghiên cứu khoa học, TS Thảo cũng như đồng nghiệp của mình phải trải qua nhiều khó khăn.

“Trước nhất là thủ tục hành chính rườm rà khiến những người làm khoa học cảm thấy rất mệt mỏi. Hiện nay, để duyệt chi một đề tài cần có Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài chính. Khi trình đề tài, họ yêu cầu ghi rõ chi vào các hạng mục nào. Trong khi đó, việc ghi chính xác các hạng mục là không thể. Bởi trong quá trình nghiên cứu còn có những phát sinh. Trong khi đó, trên thế giới, công việc này được đơn giản hóa rất nhiều. Việc thanh quyết toán rất đơn giản. Người chủ trì đề tài được giao toàn bộ trách nhiệm trong việc chi vào việc gì, làm những gì, nghiên cứu ra sao và kể cả những phát sinh được chủ động giải quyết. Thứ hai, theo thông lệ, các nhóm nghiên cứu phụ thuộc nhiều vào nghiên cứu sinh, cao học để thực hiện đề tài. Nhưng ở Việt Nam, năng lực của những nghiên cứu sinh, thực tập sinh thực sự chưa đi sâu vào nghiên cứu. Những người này chỉ chăm chắm học đủ điều kiện để lấy bằng. Cũng chưa có cơ chế nào ràng buộc với họ trong việc nghiên cứu khoa học. Thứ ba, cơ sở vật chất để phục vụ nghiên cứu không đồng bộ. Ví dụ, để thực hiện đề tài cần một cái máy giá trị 1 triệu USD. Nhưng với kinh phí quá lớn này thì không được duyệt chi”, TS Nguyễn Tiến Thảo, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng này, một giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội dẫn chứng: “Điều khó nhất là trong quá trình nghiên cứu là thiếu thốn máy móc. Xin thì có bộ môn được, bộ môn không được. Có những cái máy lên tới 500.000 USD và 1 triệu USD để hiện đại lý thuyết thì không có kinh phí mua được. Chỉ duyệt chi những máy 100 – 200 – 500 triệu đồng vừa dạy và thực hành lý thuyết cổ điển. Và chỉ học lý thuyết hiện đại thôi chứ không được thực hành máy móc hiện đại vì giá cao. Điều này khiến việc nghiên cứu khoa học bị hạn chế nhiều”.

Theo Hiệu trưởng ĐH Văn hóa Nguyễn Văn Cương, một khó khăn trong việc nghiên cứu khoa học là giảng viên phải giảng dạy quá nhiều bởi theo Quyết định số 64/2008/QĐ – BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD – ĐT, giảng viên có chức danh càng cao thì số giờ giảng dạy càng nhiều: GS là 360 giờ, PGS là 320 giờ, giảng viên là 280 giờ. Đây đã là số giờ chuẩn tương đối nhiều, song trên thực tế, ở khá nhiều trường đại học, cao đẳng, số giờ mà giảng viên thực dạy còn lớn hơn nữa, thường là gấp đôi số định mức, thậm chí có người dạy tới 1.000 – 1.500 tiết/năm. Với số giờ giảng nhiều như vậy, nên giảng viên không còn thời gian và cả sức lực dành cho việc nghiên cứu.

Theo ghi nhận, với các trường ĐH công lập hiện nay, ngoài số giờ trách nhiệm với nhà trường, mỗi giờ giảng dạy thêm chỉ được trả khoảng 50.000 đồng. Trong khi đó, nếu giảng dạy cho các trường ngoài công lập hoặc các hệ khác, thu nhập có khi lên đến 100.000 – 300.000 đồng/giờ tùy theo trình độ và chức danh. Rõ ràng đây là nguồn thu lớn và dễ thực hiện hơn nghiên cứu khoa học rất nhiều. Song song với đó, giảng viên không tìm được hứng thú trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Công việc nghiên cứu khoa học nhiều rủi ro, khó khăn (nhất là thủ tục hành chính), kinh phí ít… là những điều khiến giảng viên chùn bước. Bên cạnh đó, theo PGS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định, trong số những khó khăn khách quan kể trên, nguồn kinh phí cấp cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường ĐH hiện nay là rào cản rất lớn.

Tạo chính sách thuận lợi

Nhiều giảng viên cho rằng, để khuyến khích việc nghiên cứu khoa học, cần tạo cơ chế về tài chính thuận lợi để họ yên tâm làm việc. TS Nguyễn Tiến Thảo, ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, những thủ tục hành chính rườm rà nên giản tiện. Công việc nghiên cứu khoa học có những rủi ro và khó khăn nhất định về thủ tục hành chính, kinh phí… Vì vậy những vấn đề này cần sớm được giải quyết để giảng viên sẵn sàng dấn thân vào lĩnh vực này.

Theo Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, thời gian gần đây ngành giáo dục đã có những quy định khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học. Đó là, giảng viên sẽ được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với phần thu nhập từ hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm. Cùng với đó là các hợp đồng thực hiện tại miền núi, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Thưởng tiền không quá 30 lần mức lương cơ sở chung nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI và SCIE. Tiền thưởng này sẽ được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ trong dự toán giao cho các cơ sở giáo dục đại học. Cũng trong diện này, giảng viên sẽ được hỗ trợ 50% phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả. Giảng viên nghiên cứu khoa học sẽ được tính tương đương với 20 giờ giảng dạy lý thuyết, nếu công bố được 1 bài báo trên tạp chí khoa học.

Liên quan đến vấn đề kinh phí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, giáo sư là giảng viên cơ hữu thành nhóm nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn của mình, được cấp kinh phí cho hoạt động của nhóm. Hỗ trợ kinh phí tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình. Số lần hội thảo ở nước ngoài không quá 2 lần/năm. Đối với giảng viên là nhà khoa học trẻ tài năng được hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ theo Nghị định số 40. Cụ thể, ưu tiên được chọn đi học nâng cao trình độ trong nước và nước ngoài. Tạo điều kiện tham gia nghiên cứu khoa học để phát huy, phát triển định hướng nghiên cứu. Sẽ được xem xét hỗ trợ kinh phí khi tham gia hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực của mình.

Tuy nhiên, những thủ tục hành chính như những giảng viên nghiên cứu khoa học gặp phải này có liên quan đến Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, nên thời gian tới sẽ được đưa ra bàn thảo và sớm có những tháo gỡ cho người làm nghiên cứu.

Lê Vân

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu