Thứ Hai, 25/11/2024 14:26 (GMT +7)

Tràn lan trường học gắn mác “quốc tế” ở TP HCM

Thứ 3, 13/08/2019 | 09:43:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Tại TP HCM, hiện chưa có thống kê và khảo sát đầy đủ các loại hình trường học và chất lượng giảng dạy tại các trường gắn mác quốc tế.

Theo số liệu công bố trên website của Sở GD&ĐT TPHCM, hiện trên địa bàn TP chỉ có 21 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài (hay còn gọi là trường quốc tế) đã được cấp phép. Nhưng thực tế, nhiều trường không nằm trong danh sách này vẫn mang danh là trường quốc tế.

Ảnh minh họa.

Nhân viên tư vấn của những trường này cũng khẳng định đó là trường quốc tế hoặc trường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế. Tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” kiểu này đã khiến các bậc phụ huynh nhầm lẫn. Hệ lụy của nó là trường thì dễ tuyển sinh, chất lượng dạy học thì không ai biết, nhưng học phí lại cao ngất ngưởng.

Mới đây, trong cuộc họp báo ra mắt trang tin dịch vụ giáo dục, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TP HCM thừa nhận, đang có sự nhầm lẫn rất lớn giữa trường tư thục gắn mác quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài.

Theo ông Hiếu, trường quốc tế chỉ đúng với trường có yếu tố nước ngoài, do tổ chức nước ngoài thành lập, có vốn đầu tư nước ngoài, dạy chương trình do nước ngoài biên soạn. Trước đây quy định cho phép tỷ lệ học sinh Việt Nam ở các trường này rất thấp, giờ có sự thay đổi, tỷ lệ này lên đến 50%.

Ở TP HCM có một số ít các trường này, chủ yếu của các lãnh sự quán mở ra dạy cho con em quốc gia mình đang ở Việt Nam và Sở GD-ĐT TP HCM chỉ quản lý chứ không nắm chương trình dạy học của các trường này. Còn các trường tư thục, dân lập khác thì chương trình dạy học vẫn được Sở vẫn quản lý chặt chẽ.

“Trường ngoài công lập, tư thục gắn mác quốc tế vô mà phụ huynh hiểu là trường quốc tế có khá nhiều. Các trường ngoài công lập được phép dạy chương trình nước ngoài, chương trình quốc tế thì người dân hiểu là có yếu tố quốc tế, yếu tố nước ngoài. Khi dạy chương trình nước ngoài được phép tích hợp chương trình của Bộ Giáo dục Việt Nam với chương trình của một số quốc gia thì cũng gọi là có yếu tố nước ngoài, nhưng thực chất đó vẫn là trường tư thục theo thông tư 13 về hoạt động của trường ngoài công lập”, ông Hiếu cho biết thêm.

Tham khảo các trường có yếu tố nước ngoài, mức học phí rất cao, bình quân đều khoảng 300 triệu đồng đến trên 600 triệu đồng/năm học, tùy từng cấp học và mức học phí này chưa kể đến các chi phí khác như: tiền nhập học, dịch vụ đưa đón… Còn ở các trường trường dân lập, tư thục gắn mác quốc tế, chỉ có một số chương trình theo tiêu chuẩn nước ngoài, nhưng học phí cũng ở mức trên dưới 200 triệu đồng/năm học, chưa kể tiền dịch vụ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số phụ huynh, chất lượng dạy học ở các trường này không cao, học sinh chơi là chủ yếu; nếu chuyển vào trường công lập, nhiều em sẽ khó bắt kịp với các bạn cùng lớp.

Anh Nguyễn Lê, ở quận 3 cho biết: con đã học hết lớp 2 ở một trường tư thục gắn mác “quốc tế”, nhưng năm nay phải chuyển sang trường công vì học phí rất cao mà kiến thức con học được không nhiều.

“Hồi xưa tôi làm ăn được thì cho học, đến lúc giờ làm ăn không được thì phải cho ra thôi. Tôi thấy quốc tế giá cao mà chẳng học hành gì, chủ yếu là chơi thôi. Chính con mình cũng xác nhận là chơi chứ có học hành gì đâu”, anh Nguyễn Lê cho hay.

Theo ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục Nam Việt, hệ thống trường học của Nam Việt là liên cấp, từ tiểu học đến THCS và THPT. Nhưng các trường cấp THCS-THPT mang tên Nam Việt, còn trường tiểu học có tên là “Trường tiểu học quốc tế Nam Việt”. Tập đoàn giáo dục Nam Việt không phải là trường người nước ngoài đầu tư, mà chỉ giảng dạy theo chuẩn quốc tế và chữ quốc tế trong tên của trường chỉ là một danh từ.

“Ghi là Trường tiểu học quốc tế Nam Việt, ở dưới có câu là trường chuẩn quốc tế. Chuẩn ở đây là chuẩn về cơ sở vật chất, giáo trình, đội ngũ giảng dạy. Chứ còn trường quốc tế thì phải có yếu tố đầu tư nước ngoài. Còn ở đây là trường của Việt Nam mình, mình đầu tư theo mô hình chuẩn”, ông Quốc nói.

Từ thực tế này, thiết nghĩ các cơ quan chức năng, mà trước hết là ngành giáo dục thành phố phải có sự khảo sát, thống kê các trường mà trong tên gọi có chữ “quốc tế” có đúng với bản chất, với quy định hay không. Từ đó, cần chấn chỉnh tên gọi của các trường đúng với chương trình đào tạo, loại hình đăng ký hoạt động, tránh gây nhầm lẫn cho phụ huynh và học sinh.

Còn bản thân các trường, đã đến lúc tự xem xét và điều chỉnh tên gọi của mình cho đúng. Bởi chất lượng của trường nằm ở việc giảng dạy, chương trình học và kiến thức học sinh tiếp thu được, chứ không chỉ ở cái tên có hay không từ “quốc tế”.

Chị Bích Ngọc ở quận 1, TPHCM có con học lớp 6 trường Quốc tế Việt Úc cho biết, chị đã đi khắp các trường để tìm hiểu môi trường học tập, quy trình quản lý học sinh, chương trình giảng dạy, các chứng chỉ của trường rồi mới quyết định.

“Nếu mà trường đặt là dân lập, quốc tế hay gì đó thì tôi cũng không quan tâm lắm vì đó chỉ là tên gọi thôi. Điều tôi quan tâm là kết quả cuối cùng, tức là hiệu quả, bằng cấp của con tôi là con đi nhập học ở trường nào đó trên thế giới mà dạy chương trình Cambridge giống như con tôi đang học ở đây thì họ sẽ công nhận bằng cấp đó của con”, chị Ngọc nói.

Như vậy, chữ “quốc tế” trong tên trường phải để nói về chương trình giảng dạy theo chuẩn nước ngoài, hình thức giảng dạy bằng tiếng nước ngoài hoặc song ngữ, được kiểm định và công nhận bởi các tổ chức giáo dục uy tín của nước ngoài. Mong muốn của phụ huynh cho con em mình được học tập ở các trường có giáo viên nước ngoài, giảng dạy theo phương pháp và chương trình quốc tế là chính đáng.

Nhưng không chỉ các trường mà trong tên gọi có chữ “quốc tế” mới đáp ứng được điều đó, mà nhiều trường dân lập, tư thục ở TP HCM hiện nay đang tổ chức dạy và học theo chuẩn quốc tế. Cho nên, trong khi chưa có quy định chặt chẽ cũng như xử lý các trường sử dụng tên gọi “quốc tế” tràn lan, thì cách tốt nhất là phụ huynh phải sáng suốt tìm hiểu trước khi đưa con mình vào học./.

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu